Khi có quá nhiều những giá trị ảo đang được tung hô trên internet, các trang mạng xã hội,… Khi chúng ta đang “ngập ngụa” với những tranh cãi nảy lửa về những quan niệm cũ – mới, tân tiến – cổ hủ,… thì tôi muốn một lần bênh vực những quan niệm phương Đông, truyền thống – quan niệm về thứ bậc, tôn ti trong một gia đình. Không phải vì tôi là bảo thủ, mà bởi vì tôi là một người mong muốn được đổi mới theo cách tiến bộ, chứ không phải theo cách con người ngày càng muốn dùng bản năng để đối xử với nhau!

Tôi không thấy có gì hay ho trong việc người ta phủ nhận hoàn toàn cái truyền thống, để “lập lại trật tự” bằng tất cả những quan niệm đi theo chiều ngược lại. Có vẻ như trong thời đại người ta kiếm tiền từ sự khác biệt, cố gắng làm mọi thứ để trở nên khác biệt này, họ cũng không ngần ngại tung hô cả những ý tưởng ngược đời, những phát ngôn bất ổn. Nói mãi rồi thành quen, cái bất ổn bị phát ngôn nhiều quá lại trở thành chân lí. Hoặc không hoàn toàn bất ổn nhưng cũng chỉ đúng một phần, đúng trong 1 nhóm các trường hợp nhỏ, lại tự nhiên được lấp liếm và phóng đại để trở thành bao quát…

Làm mẹ tốt - đừng mù quáng bởi những giá trị ảo

1. Con có thể tự do làm điều mình thích

“Chỉ cần con muốn là được”, là câu nói mà tôi nghe nhiều lần từ những bà mẹ muốn học cách để trở thành một người “tiên tiến”. Họ sẵn sàng chấp nhận mọi lựa chọn của con, chỉ cần con mình “muốn”, vì như thế sẽ không “kìm hãm sự phát triển” của con.

Tôi nghe được một câu chuyện thế này. Một bé gái 5 tuổi con chị bạn tôi, có lần đã hỏi mẹ rằng, tại sao lại có những bạn nhỏ không có bố. Mẹ của cháu kể lại câu chuyện trên facebook một cách rất tự hào, ý muốn khẳng định mình là người tiến bộ, bằng cách trả lời với con mình rằng: “Đó là những người mẹ đơn thân. Vì có thể bố các bạn mất sớm. Hoặc cũng có thể bố mẹ bạn ấy không muốn sống cùng nhau, chẳng sao cả. Sau này, nếu con muốn thì con cũng có thể làm mẹ đơn thân”.

Tôi không nghĩ là mình nên kỳ thị, nhưng tôi không cho rằng đây là câu chuyện đáng để cổ vũ hoặc “mặc kệ” một cách thản nhiên như thế. Làm mẹ đơn thân không xấu, xã hội cũng hiện đại đến mức không đánh giá, chê trách những người phụ nữ ấy lâu rồi. Nhưng đó không phải là điều đáng để tung hô, và ít nhất cũng cần phải để cho lũ trẻ hiểu rằng, xã hội có thể chấp nhận những người mẹ đơn thân nhưng đó không phải là một mô hình lý tưởng, không phải là cái để người ta lựa chọn một cách dễ dàng kiểu như chọn giày, không giày cao thì đi giày bệt vậy…

2. Quá coi trọng cảm giác/ mong muốn cá nhân

Dường như chúng ta đã quá sa đà vào quan niệm phải làm sao thoát khỏi sự gia trưởng, áp đặt; thoát khỏi việc bắt buộc con cái làm theo ý muốn của cha mẹ, trong nỗi độc đoán; thoát khỏi những quan niệm tiểu nông, hoặc quan niệm phong kiến; để rồi lại dẫn đến một thái cực ngược lại của vấn đề, đó là gần như bàng quan trước lựa chọn của con, hoặc không bàng quan nhưng không có cách nào tác động, bởi ta đã trót để cho con cái coi những ông bố, bà mẹ cũng chỉ như bạn bè, không có khoảng cách gì, không có chút uy lực nào.

Nói công bằng, nếu những ông bố bà mẹ hư hỏng, không gương mẫu, không nghiêm túc với những gì mình vẫn yêu cầu ở con, thì họ không xứng đáng, không đủ sự tin cậy cho con cái, và con cái có quyền được chọn một hướng khác cho mình. Nhưng thực tế, không ít những người cha mẹ mẫu mực, đúng đắn, lương thiện và không phải là tất cả nhưng họ cũng có nhiều quan điểm đúng. Vậy chúng ta hăng hái tuyên truyền quá đà với việc để cho trẻ nhỏ làm bất cứ điều gì mình thích, để làm gì?

Tôi vẫn phải nói lại rằng tôi tuyệt đối không ủng hộ lối sống gia trưởng hay áp đặt. Nhưng tôi thấy cái cách tuyên truyền về sự tự do lựa chọn của con trẻ hiện nay đang có phần thái quá, bọn trẻ thậm chí có ngay cái phản xạ cãi lời cha mẹ, phủ nhận mong muốn của cha mẹ và tự cho rằng mình đang thực hiện quyền tự do của mình! Những bậc làm cha mẹ đôi khi cũng vì tin tưởng quá mức vào quan niệm để cho con trẻ tự do lựa chọn mà quên mất vai trò định hướng của mình. Một gia đình không có sự tiếp nối, kế thừa không phải là một gia đình vững chắc để đi lên. Giống như, tôi rất đồng tình với quan niệm của ai đó nói rằng, mâu thuẫn thế hệ là một phần tất yếu. Con cái và cha mẹ, trong gia đình nào cũng đều có những điểm mâu thuẫn cần phải giải quyết và thu xếp để thống nhất. Có vẻ như mâu thuẫn ấy gây ra nhiều căng thẳng, nhưng chúng ta cố gắng “chèn ép” bọn trẻ để bố mẹ luôn chiến thắng là một điều không tốt, nhưng nếu làm ngược lại, để bọn trẻ thoải mái hoàn toàn, thì việc lựa chọn sai lệch những giá trị cũng là điều không tránh khỏi.